“Triều đại” 12 năm trong lĩnh vực smartphone lung lay
Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc là 1 trong 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu duy nhất chứng kiến lượng hàng xuất xưởng giảm trong quý 3 năm nay, mất thị phần vào tay đối thủ lâu năm là Apple và các đối thủ Trung Quốc.
Theo IDC, thị phần toàn cầu của Samsung trong quý 3 đã giảm từ 21% xuống 18% so với cùng kỳ, khoảng cách dẫn trước Apple chỉ còn 0,6%.
Các nhà phân tích ước tính lợi nhuận hoạt động của bộ phận điện thoại thông minh của công ty đã giảm tới 30%.
"Hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Samsung đang trong tình trạng trì trệ", Park Kang-ho - một nhà phân tích tại Daishin Securities cho biết. "Công ty hy vọng rằng, điện thoại gập sẽ giúp công ty có lợi thế hơn so với Apple, nhưng phản ứng của người tiêu dùng lại khá thờ ơ. Giờ đây, các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất điện thoại nắp gập để chiếm thị phần".
Các đối thủ đang rút ngắn khoảng cách thị phần smartphone với Samsung. Nguồn: IDC
Triều đại 12 năm của Samsung với tư cách là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới tính theo doanh số đã kết thúc vào năm ngoái, khi Apple tạm thời chiếm vị trí số một, trước khi tập đoàn Hàn Quốc này giành lại vị trí dẫn đầu trong quý đầu tiên năm nay.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu TechInsights cho biết, các tính năng trí tuệ nhân tạo mới của Apple có thể đưa “nhà táo” vượt qua Samsung vào năm tới.
Không chỉ vậy, các đối thủ từ đại lục cũng đang vươn lên mạnh mẽ. "Các thương hiệu Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn nhiều không chỉ về giá cả mà còn về chức năng", một nhân viên Samsung tại bộ phận điện thoại thông minh cho biết.
Samsung là nhà sản xuất tiên phong phân khúc điện thoại gập, nhưng đã nhường vị trí hàng đầu vào đầu năm nay cho đối thủ Trung Quốc Huawei, công ty chiếm 27,5% thị phần điện thoại gập trong quý 2, so với 16,4% của Samsung, theo IDC.
Samsung mất vị trí số 1 smartphone nắp gập vào tay Huawei. Nguồn: Counterpoint Research
Mặc dù điện thoại gập chỉ chiếm 1,2% thị trường smartphone toàn cầu, nhưng chúng lại là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong một lĩnh vực tương đối trì trệ.
Tụt hậu xa hơn trong sản xuất bán dẫn
Những khó khăn của công ty châu Á này trong mảng điện thoại thông minh đến vào thời điểm quan trọng. Công ty đã bị ảnh hưởng bởi một loạt thất bại tại bộ phận bán dẫn, chiếm 60% lợi nhuận hoạt động Samsung.
Người đứng đầu bộ phận chip đã đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi trong tháng này, sau khi tụt hậu xa hơn so với đối thủ nhỏ hơn cùng thành phố SK Hynix trong việc phát triển chip nhớ tiên tiến cho phần cứng liên quan đến AI.
"Samsung đang phải đối mặt với các vấn đề về cấu trúc ngày càng gia tăng ở hầu hết các doanh nghiệp mà trước đây họ từng thống trị, từ chip đến điện thoại thông minh và màn hình, vì sự tự mãn và quan liêu của mình", Park Ju-geun, người đứng đầu nhóm nghiên cứu doanh nghiệp có trụ sở tại Seoul, Leaders Index, cho biết.
Tập đoàn Hàn Quốc cũng bị TSMC bỏ xa về vốn hóa. Ảnh: Bloomberg
Các nhà quan sát cho rằng, nhiều vấn đề tại các bộ phận khác nhau của tập đoàn có liên quan đến nhau, lưu ý Samsung có thể buộc phải chuyển sang sử dụng chip di động của đối thủ Qualcomm trên dòng flagship Galaxy S25 sắp ra mắt do sản lượng bộ xử lý Exynos nội bộ thấp hơn dự kiến.
Đầu tháng 10, công ty thừa nhận sự chậm trễ với chip HBM thế hệ mới nhất, ngay sau khi SK Hynix cho biết, họ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh Micron Technology Inc. cũng đang đẩy mạnh nỗ lực trong lĩnh vực HBM và đã báo cáo nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm của mình.
Các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu Samsung. Ảnh: Bloomberg
Samsung đang "mất đi vị thế dẫn đầu về công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn", Young Jae Lee, giám đốc đầu tư cấp cao tại London của nhóm cổ tức cao tại Pictet Asset Management cho biết.
"Bản chất là rất khó để giành lại vị thế dẫn đầu về công nghệ trong ngắn hạn", ông nói và nói thêm rằng công ty đã giảm cổ phần nắm giữ tại Samsung.
Samsung hứa hẹn đại tu để lấy lại sức cạnh tranh, nhưng các nhà quản lý quỹ đầu tư như Pictet Asset Management và Janus Henderson Investors SP không tin rằng sự thay đổi này sắp xảy ra.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo khoảng 10,7 tỷ USD giá trị cổ phiếu của công ty Hàn Quốc trên cơ sở ròng kể từ cuối tháng 7.