Xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 là hai xã thuộc vùng biên giới huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiều năm qua, sau khi những ưu đãi đối với vùng kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo không còn, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc điểm vị trí địa lý, địa hình đặc thù, không có tư liệu sản xuất nên gần như bà con nhân dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào rừng. Chính từ những đặc thù đó, hơn một năm nay, chính quyền địa phương đã đưa mô hình cây dược liệu dưới tán rừng vào trồng thử nghiệm, bước đầu cho tín hiệu khả quan.
Ông Nguyễn Đăng Điểu (trú thôn An Sú, xã Sơn Kim 1) cho biết, hiện, gia đình ông đang trồng xen kẻ dưới 20ha rừng nguyên sinh giống cây thiên niên kiện. Đây là cây dược liệu quý, vốn mọc tự nhiên ở những cánh rừng sâu.
"Sau khi được phổ biến về những hiệu quả mang lại, gia đình đã học hỏi thêm kỹ thuật để trồng xen dưới những tán rừng nguyên sinh. Đến nay, hơn 20ha diện tích rừng nguyên sinh được gia đình trồng xen kẽ cây dược liệu đang phát triển tốt", ông Điểu cho hay.
Theo ông Điểu, thiên niên kiện là loài cây dược liệu vốn sống dưới những tán rừng già ở Hương Sơn, người dân bản địa gọi là cây sắn sục.
Trước đây, loài cây này được người dân vào rừng thu hái, bán cho các thương lái thu mua về làm dược liệu. Qua thời gian, loài cây này dần hiếm do bị khai thác cạn kiệt.
Theo ghi nhận của PV, hiện, toàn xã Sơn Kim 1 đang trồng trên 300ha diện tích cây dược liệu dưới tán rừng. Hàng chục ha cây thiên niên hiện đang phát triển tốt tươi, kỳ vọng trở thành cây thoát nghèo của người dân miền núi.
Ngoài tạo sinh kế cho người dân, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng còn giúp bảo tồn và giữ được giống dược liệu quý, phát triển kinh tế từ rừng.
Theo tính toán, cây thiên niên kiện trồng từ 3-5 năm sẽ cho thu hoạch thân và củ. 1ha có giá dao động từ 45 – 50 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác.
Ông Lê Ngọc Danh - Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho biết, không chỉ đạt hiệu quả về kinh tế, cây thiên niên kiện còn góp phần tăng ý thức bảo vệ rừng.
Theo Hạt Kiểm Lâm Hương Sơn, toàn huyện có 84.000ha rừng, trong đó có 65.000ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Trong năm 2024, huyện đang xây dựng phương án trồng trên 1.000ha diện tích cây dược liệu nhằm hướng đến phát triển kinh tế rừng và bảo vệ rừng.