Chuyện tâm linh và mạng sống.
Vòng vo trên con đường núi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra phu trầm nổi tiếng H.Nông Sơn. Đó là ông Võ Linh, 60 tuổi, ở xã Ninh Khánh. Dường như ông Linh còn ám ảnh bởi việc khai thác trầm tự nhiên bị coi là phạm pháp nên ông hơi e dè khi tôi nhờ ông kể lại chuyện thời quá vãng. Ông mở lời: "Nhà báo mà hỏi như công an rứa hê. Nhưng chuyện xưa kể lại thì mình sợ cái chi".
Rồi ông Linh bắt đầu kể: "Hồi xưa nghèo quá nên thanh niên cả làng đi trầm hết, trong làng chỉ còn đàn bà, người già và con nít. Người chết không có ai khiêng". Ông Linh đi địu trầm từ năm 1987, lúc đó mới hơn 30 tuổi. "Nếu không đi thì khó chịu lắm. Ở đây có câu hát: Có chồng đi địu có ngày đeo khâu"- ông nói. Hồi đó dễ chi có cái khâu. Nghe chịu không được phải đi. "Đeo khâu"- ông Linh nói là đeo vàng.
Ông kể, dân đi địu trầm tin vào tâm linh nên phải sắm lễ để cúng cầu an, cầu may. Trước khi vô rừng, trong đoàn cử ra bầu trưởng. Bầu trưởng tắm rửa sạch sẽ, kiêng ngủ với vợ từ mấy ngày trước. Lên tới rừng làm bàn thờ dã chiến, bày lễ để bầu trưởng cúng cầu an.
Với kinh nghiệm nhận biết trầm hương chất lượng như thế nào, bây giờ ông Võ Linh giúp các con kinh doanh trầm hương
"Trước nhất là vái ông ba mươi (cọp) đừng vồ anh em. Sau đó xin dương trường, cô bác cho phép chúng con khai thác trầm ở vùng ni cũng vì miếng cơm, manh áo…", ông Linh chia sẻ và kể mấy lần hú vía khi đối diện với cọp, may mà chưa bị tấn công. Nhưng có lần trong đoàn 37 người, chia mỗi nhóm 3 - 4 người để đi, khi ra đến điểm dừng chân thì không thấy một người trong nhóm cuối cùng. "Họ bị cọp vớ mất rồi. Cả đoàn chia nhau đi kiếm thì không thấy người mà chỉ thấy cái ba lô, xung quanh đó dày đặc dấu chân cọp" -ông Linh nhớ lại.
Theo ông Linh, với nghề địu trầm, tâm linh là có thật. Người có số hưởng thì "trời cho" gặp trầm liên tục. Nhưng nhiều người đi mấy tháng không kiếm được trầm.
"Có người đi miết không tìm được miếng trầm mô. Rứa nên họ vái trời đất cho thú dữ ăn thịt chết cho rồi. Có người nước lũ ầm ầm vẫn lội đại qua, còn sống thì về chết thì thôi. Khổ rứa. Vì họ bể mánh rồi, về lấy chi ăn, nợ nần lấy chi trả, nên cái mạng họ coi nhẹ lắm. Cái nghề ni không thể không tin tâm linh"- ông Linh tâm sự.
Chính ông Linh đã từng được "trời cho" một cây dó ăn trầm đen kịt đứng chơ vơ bên đường mà hàng trăm người từng đi qua ngày này tháng nọ vẫn không thấy. "Cái cây dó nớ chết đứng, đổi dạng hết rồi bởi trầm ăn ra sát da. Qua thời gian, lớp vỏ ngoài bạc màu, nhưng bên trong là trầm đen như sừng trâu, dầu thơm đặc biệt. Loại trầm nớ mới là số một. Tui được hơn 2 kg trầm từ cây dó đó. Khai thác xong tui không dám mang về nhà mà bán cho các đầu nậu ngay trong rừng lấy mấy cây vàng. Bây chừ mà giữ lại cục trầm đó thì giàu to rồi"- ông Linh hào hứng.
“Nhiều chuyện khó tin, chỉ dân địu mới thấu.
Ông Linh nói câu này khi tôi đề nghị ông kể hết "thâm cung" của nghề phu trầm. Tôi hỏi ông Linh nghe người ta nói "ngậm ngải tìm trầm" có không. Ông bảo dân vùng nào bảo có thật thì ông chưa biết, nhưng với phu trầm vùng Quảng Nam thì câu "ngậm ngải tìm trầm" là ví chuyện đi tìm báu vật của thiên nhiên này vô cùng gian nan vất vả và rất tâm linh mà thôi. Ông thao thao kể về nỗi "trần ai" của dân địu trầm. Thời đó, những nhóm phu trầm Nông Sơn cắt rừng, xẻ núi mà đi đến những khu rừng nguyên sinh ở vùng Trà Văn, Trà Bui…
Ông Hoàng Văn Trưởng - phu trầm ở H. Tiên Phước (Quảng Nam)
Ông Trưởng kể: Mấy chục năm về trước, dó trong rừng nguyên sinh nhiều lắm. Có những cây thân to hai người ôm không hết. Phu trầm chặt dó không thương tiếc, nhưng trong khoảng 100 cây dó rừng chỉ có một cây có trầm. Chỉ cần ngày xưa không đốn dó bừa bãi và bảo vệ chúng thì có thể ngày nay những cây dó tạo được trầm có thể đem lại giá trị rất lớn cho Nhà nước…
"Chúng tôi phải đi bộ tầm ba ngày rưỡi mới tới nơi tìm trầm. Hành trang đi là các dụng cụ khai thác dó lấy trầm, trang bị cá nhân và lương thực thực phẩm đủ dùng trong một tháng"- ông Linh cho biết.
Dân địu trầm đối diện với nhiều nỗi sợ. Họ nói ít sợ thú dữ, rừng thiêng, nước độc mà sợ người đồng bào và cơ quan chức năng bắt. "Trên núi thì sợ người đồng bào bắt. Có trầm thì giao cho anh mô gan nhứt, lanh nhứt mang để nếu lỡ gặp người đồng bào thì có cách xử lý. Về nhà thì sợ lực lượng chức năng bắt. Không dễ chi đem trầm về để trong nhà được đâu" -ông Linh tâm sự.
Hầu hết, các lần phu trầm bị người đồng bào bắt thì chấp nhận "của đi người ở lại". Nhưng có những phu trầm không may mắn bị mất mạng. Ông Linh không kiềm được cảm xúc khi nhớ lại chuyện hai anh em phu trầm bị một toán thanh niên người đồng bào bắt rồi lấy một đoạn tre dài bắt họ dang hai tay ra cột. Ở trong rừng cây cối um tùm, hai người phu trầm này không thể di chuyển trong tư thế như vậy nên cuối cùng họ bỏ mạng giữa rừng.
"Có đủ kiểu mà phu trầm đã đánh đổi bằng tính mạng. Có người đổ bệnh chết. Có người dính bẫy thú rừng cũng chết. Có người bị cây ngã đè rồi chết. Chu cha kể lại mà rợn người", phu trầm Nông Sơn bồi hồi nhớ lại.
Khai thác trầm trong rừng là vi phạm pháp luật. Vì thế, phu trầm luôn nơm nớp lo sợ lực lượng chức năng phát hiện. Hầu hết trầm khai thác được, các phu trầm bán ngay trong rừng cho những ông bầu rành đường và có mối quan hệ với các tay buôn trầm lớn. "Mấy ông bầu như ông Sáu Phong, ông Thái Mai thuộc đường rừng nên họ có cách đem hàng về mà không bị bắt. Bán cho mấy ổng trên rừng với giá bằng nửa thị trường rồi về nhà lấy vàng. Chừ mà giữ được mấy cục trầm nớ ai cũng trở thành đại gia hết"- ông Linh tâm tình.
Hỏi ông Linh phu trầm lúc đó có được nhiều cục trầm mà như ông vừa nói nếu còn giữ lại đến giờ là thành đại gia hết không. Ông Linh hứng chí kể: "Ở đây có những người được trầm loại dách, siêu (loại rất tốt - PV) không à. Như ông Xuân được cục trầm loại 1 to như cối xay rứa chớ. Tui cũng mấy lần được trầm chìm và trầm rục. Đặc biệt trầm rục, tui chuyên món nớ", phu trầm Nông Sơn thổ lộ.
Ông Linh còn cho biết, thời ông đi địu trầm, dó trong rừng nguyên sinh rất nhiều. Có những cây dó hạ xuống thấy trầm ăn ra tới nhánh, có thể lấy 20 kg trầm các loại, nhưng phu trầm chỉ lấy loại đen như sừng trâu chừng vài ký, còn lại bỏ hết.
Ông Hoàng Văn Trưởng, từng là phu trầm ở H.Tiên Phước (Quảng Nam), bộc bạch: "Mấy chục năm về trước, dó trong rừng nguyên sinh nhiều lắm. Có những cây thân to hai người ôm không hết. Phu trầm chặt dó không thương tiếc, nhưng trong khoảng 100 cây dó rừng chỉ có một cây có trầm. Chỉ cần ngày xưa không đốn dó bừa bãi và bảo vệ chúng thì có thể ngày nay những cây dó tạo được trầm có thể đem lại giá trị rất lớn cho Nhà nước"...