Những ngày cuối năm, lượng người ra vào bến xe đã có dấu hiệu tăng dần. Các doanh nghiệp vận tải tuyến Lào Cai, Ninh Bình, Hải Phòng, Tuyên Quang,... đang tất bật chuẩn bị phương tiện, tính toán thời gian để tăng lượt chuyến phục vụ người dân. Đây là thời điểm mang lại doanh thu cao nhất trong năm cho các nhà xe.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Chu Ngọc Long – đại diện Công ty cổ phần 27/7 Đống Đa có xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định cho biết: "Để phục vụ hành khách dịp cao điểm Tết nguyên đán Ất Tỵ, công ty có chủ trương tăng khoảng 50% so với ngày thường. Cụ thể, ngày thường chạy khoảng 20 lượt/ngày thì Tết tăng khoảng 40 lượt/ngày".
Theo kế hoạch của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, kì nghỉ Tết kéo dài từ 25/1 đến 2/2 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 5 tháng Giên năm Ất Tỵ). Nhu cầu đi lại sẽ tập trung cao điểm trong các ngày 20, 22/1 và 24 đến 27/1.
Dự kiến lượng khách qua bến xe trong thời gian cao điểm tăng 250-350% so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu, số lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt là 2.486 xe.
Tại bến xe Giáp Bát, lượng khách dự kiến cao nhất trong các ngày cao điểm đạt khoảng 20.000 lượt/ngày, tăng 350% so với ngày thường. Lượt xe tăng thêm từ 850 đến 900 lượt/ngày.
Ông Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết: "Hàng năm, dịp Tết thường có hai đợt khách chính. Đợt đầu tiên diễn ra trước Tết ông Công ông Táo, chủ yếu là sinh viên về quê.
Đợt thứ hai rơi vào các ngày 25 - 26 tháng Chạp, khi người lao động, cán bộ, công nhân viên bắt đầu rời thành phố. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện để đảm bảo hành khách không phải lo lắng về tình trạng thiếu xe".
Ông Hà cũng nhấn mạnh, đơn vị đã họp với các lực lượng chức năng và các đơn vị vận tải để đảm bảo số lượng xe, an ninh trật tự (ANTT) và an toàn giao thông (ATGT) trong và ngoài bến, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn nhất cho người dân".
Tương tự, bến xe Mỹ Đình cũng dự kiến phục vụ khoảng 22.000 lượt khách/ngày, tăng hơn 350% so với ngày thường. Các tuyến chủ yếu gồm Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, và Cao Bằng.
Trong khi đó, bến xe Gia Lâm tập trung vào các tuyến ngắn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, với lượng khách cao điểm đạt khoảng 5.000 lượt/ngày. Riêng trong ngày cuối cùng của năm, tức 29 Tết, lượt xe phân bổ không tăng, nhưng các bến xe cam kết sẽ vận chuyển hành khách đến người cuối cùng.
Để đảm bảo chất lượng phục vụ, các bến xe yêu cầu các nhà xe ký cam kết không nhồi nhét khách, không tăng giá vé trái quy định và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn.
Ông Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc bến xe Giáp Bát.
Ông Chu Ngọc Long - đại diện Công ty cổ phần 27/7 Đống Đa khẳng định: "Công ty chúng tôi đã được bến xe tuyên truyền và viết cam kết thực hiện nghiêm quy định trong việc vận tải chở khách một cách an toàn, văn minh. Qua đó Công ty chúng tôi rất quan tâm đến chất lượng phục vụ tốt nhất cho khách hàng, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện và tài xế một cách tốt nhất".
Đặc biệt, ông Long cho biết thêm, doanh nghiệp đã yêu cầu lái xe, phụ xe phải an toàn về kỹ thuật, đảm bảo môi trường và PCCC và bán, xuất vé theo đúng quy định. Khi phát hiện vi phạm chúng sẽ xử lý nghiêm theo quy định để các tài xế khác noi theo.
Cùng trao đổi về vấn đề này, đại diện nhà xe Duyên Duyên chạy tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết: "Chúng tôi luôn đặt sự an toàn và hài lòng của hành khách lên hàng đầu. Dịp Tết, lượng khách tăng mạnh, nhưng công ty đã chủ động tăng cường phương tiện và yêu cầu các lái xe, phụ xe tuân thủ nghiêm quy định về tốc độ, không chở quá số người quy định và tuyệt đối không nhồi nhét khách.
Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu nhân viên ứng xử văn minh, lịch sự với hành khách, giữ gìn vệ sinh trên xe và đảm bảo không gian thoải mái nhất".
Vị này cũng cho biết thêm, đối với đội ngũ nhân viên, lái xe, hãng yêu cầu không cho xuất bến với các trường hợp lái xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện hoặc có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng như Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội sẽ phối hợp kiểm tra điều kiện phương tiện trước khi xuất bến. Các yếu tố được kiểm tra bao gồm thiết bị camera, giám sát hành trình, búa thoát hiểm, niêm yết giá vé và thiết bị PCCC. Nếu vi phạm sẽ bị lập biên bản, yêu cầu hạ tải và xử lý nghiêm khắc theo quy định.
Ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội khuyến cáo người dân cần làm theo hướng dẫn của nhân viên bến xe, mua vé từ quầy chính thức và tránh các xe dù, bến cóc.
"Các xe dù thường có giá vé cao nhưng chất lượng không đảm bảo. Khi xảy ra sự cố, quyền lợi của hành khách sẽ không được bảo vệ", ông Hùng cảnh báo.
Để giải tỏa lượng khách tăng cao, bến xe đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp 300 phù hiệu xe tăng cường, cho phép các xe này đi vào nội thành và đến các bến kịp thời. Lực lượng chức năng cũng sẽ phân luồng giao thông quanh khu vực bến xe để giảm ùn tắc.
Những nỗ lực này không chỉ đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân mà còn góp phần duy trì trật tự, an toàn giao thông, giúp kỳ nghỉ Tết diễn ra suôn sẻ và an toàn hơn.