Bộ Công Thương lý giải về giá gạo xuất khẩu giảm

Admin
Đại diện Bộ Công Thương lý giải việc giá lúa gạo xuất khẩu đang ở mức thấp nhất 2 năm qua khiến nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu đều lo lắng.

Trả lời Báo điện tử VTC News chiều 7/1, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, giá gạo xuất khẩu cũng như chứng khoán, có lúc lên, lúc xuống, lúc tăng, lúc giảm. Đây là điều hết sức bình thường.

“Giá gạo không thể nào tăng mãi được, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm", ông Hải nói, thêm vào rằng giá gạo giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh Ấn Độ - kho gạo của thế giới - đang “xả hàng” sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu. "Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam ”.

Bộ Công Thương lý giải về giá gạo xuất khẩu giảm- Ảnh 1.

Giá lúa gạo của Việt Nam giảm hơn 2 tuần qua. (Ảnh minh hoạ).

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu giảm mạnh liên tiếp 2 tuần qua. Gạo 5% tấm đã giảm tổng cộng đến 25 USD, chỉ còn 473 USD/tấn, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng khác cũng liên tục giảm giá. Không chỉ Việt Nam mà giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng lùi về mức 498 USD/tấn, hay như gạo Pakistan giảm còn 450 USD/tấn. Chỉ riêng gạo Ấn Độ tăng 3 USD lên 451 USD/tấn.

Thông tin về vấn đề xuất khẩu gạo tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ Công Thương diễn ra chiều 7/1, ông Trần Thanh Hải cho biết, năm 2024 nước ta đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo.

“Tính chung cả năm, nước ta xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu gạo đạt tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá”, ông Hải cho biết.

Về đơn giá, năm 2024 nước ta đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn (trước đây dưới 600 USD/tấn), tăng 9% so với năm ngoái.

Hiện Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo từ nước này dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm.

"Tuy nhiên thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường xuất khẩu gạo mới, trong đó đặc biệt chú trọng những thị trường như Indonesia, Philippines… Muốn làm tốt việc này, rất cần sự hỗ trợ về vốn vay của các ngân hàng cho các doanh nghiệp, đồng thời Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ", ông Trần Thanh Hải thông tin.

Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, đầu năm 2025, Chính phủ có Nghị định số 01 là nghị định đầu tiên của năm 2025, là sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

"Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.