Báu vật trời ban của Việt Nam thẳng tiến vào top 5 thế giới, Trung Quốc ồ ạt "chốt đơn"

Admin
Thị trường Trung Quốc mới đáp ứng được 10% nhu cầu nội địa nên đây là cơ hội tốt cho mặt hàng này của Việt Nam.
Báu vật trời ban của Việt Nam thẳng tiến vào top 5 thế giới, Trung Quốc ồ ạt "chốt đơn"- Ảnh 1.

Theo số liệu từ cơ quan hải quan Việt Nam, trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD , tăng hơn 20% so với năm 2023. Đây là lần đầu sau 14 năm, trái dừa đem lại kim ngạch tỷ USD cho Việt Nam.

Tính riêng xuất khẩu trái dừa, trong năm qua, Việt Nam đã thu về hơn 390 triệu USD, tăng 61,1% so với cùng kỳ , chiếm 5,47% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, bên cạnh cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu. Trái dừa cũng là mặt hàng mang về kim ngạch lớn thứ 3, chỉ sau sầu riêng và thanh long.

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng dừa, với khoảng 1,9 triệu tấn mỗi năm.

Báu vật trời ban của Việt Nam thẳng tiến vào top 5 thế giới, Trung Quốc ồ ạt "chốt đơn"- Ảnh 2.

Dừa là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 25% giá trị xuất khẩu dừa của Việt Nam. Việt Nam cũng là nhà cung cấp dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc trong năm 2024, chiếm hơn 20% thị phần. Với dân số hơn 1,4 tỷ người và nhu cầu nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 10%, Trung Quốc đang là thị trường tiềm năng lớn cho sản phẩm dừa của Việt Nam.

Ngoài Trung Quốc, trái dừa Việt được ưa chuộng ở nhiều thị trường như EU, Mỹ, Canada và Hàn Quốc. Nguyên nhân là bởi, trái dừa của Việt Nam có lợi thế về giá và hương vị ngọt thanh. Cùng với đó, công nghệ bảo quản tốt, thời gian bảo quản có thể tới 70 ngày, trái dừa tươi Việt Nam vẫn bảo đảm được chất lượng khi tới tay người tiêu dùng cũng là một trong những lý do khiến dừa Việt Nam được người tiêu dùng các quốc gia yêu thích

Báu vật trời ban của Việt Nam thẳng tiến vào top 5 thế giới, Trung Quốc ồ ạt "chốt đơn"- Ảnh 3.

Bến Tre là thủ phủ dừa của Việt Nam.

Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha. Quyết định 431/2024/QĐ-BNN-TT, mục tiêu đến năm 2030, diện tích dừa được giữ ổn định 200.000ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích dừa cả nước đã đạt con số này. 30% diện tích dừa trên cả nước đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng.

Với hơn 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, ngành dừa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới.

Bến Tre là thủ phủ dừa của Việt Nam. Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, tỉnh hiện có diện tích dừa lớn nhất cả nước, trên 78.000 ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Bến Tre hiện đã có hơn 100 sản phẩm chế biến từ dừa công nghiệp xuất khẩu sang 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Toàn tỉnh Bến Tre có 133 mã số vùng trồng dừa với diện tích hơn 8.300ha. Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc, phân bố tại các huyện Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre.

Cây dừa đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội của tỉnh. Hơn 70% dân số của Bến Tre sống nhờ vào dừa với hơn 170.000 hộ trồng dừa trên toàn tỉnh. Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.

Báu vật trời ban của Việt Nam thẳng tiến vào top 5 thế giới, Trung Quốc ồ ạt "chốt đơn"- Ảnh 4.

Dừa là một thức uống giàu dinh dưỡng.

Về triển vọng xuất khẩu dừa Bến Tre, giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu duy trì và phát triển ổn định 80.000 ha dừa. Trong đó, phát triển 5.000 ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000 ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000 ha; cải tạo 5% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão.

Tỉnh cũng đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2 tỷ USD.