Kinh tế

Việt Nam sở hữu “mỏ vàng” thương mại điện tử xuyên biên giới đắt giá, chuyên gia hiến kế nâng tầm

Admin

Thương mại điện tử không chỉ là cầu nối giúp hàng hóa địa phương tiếp cận người tiêu dùng cả nước mà còn hỗ trợ mở rộng tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp Việt ra thị trường quốc tế.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Ứng dụng Thương mại điện tử và Công nghệ số Việt Nam 2024. Diễn đàn nhằm mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đối số. Những thay đổi tích cực từ quản lý nhà nước, cách thức vận hành doanh nghiệp cùng thói quen tiêu dùng của người dân thông qua thương mại điện tử đã đánh dấu bước tiến đáng ghi nhận của chuyển đối số và thương mại điện tử Việt Nam.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương

Theo báo cáo tháng 07/2024 tại Hội nghị Chính phủ về chuyển đổi số, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất khu vực.

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng lan rộng với tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87% - vượt mục tiêu năm 2025. Đáng chú ý, thương mại điện tử không chỉ phát triển ở đô thị mà còn mở rộng đến vùng sâu, vùng xa nhờ hệ thống giao hàng phát triển mạnh mẽ.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cùng có nhận định rằng thương mại điện tử không chỉ là cầu nối giúp hàng hóa địa phương tiếp cận người tiêu dùng cả nước mà còn hỗ trợ mở rộng tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp Việt ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển cân bằng hơn, cần có các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương vượt qua khó khăn và phát huy lợi thế. Các doanh nghiệp sản xuất địa phương nên chủ động tham gia các sự kiện giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cập nhật các giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các tổ chức và doanh nghiệp xuất khẩu, như Amazon Global Selling, OSB (đại lý ủy quyền của Alibaba.com), Ratraco Solutions, Ngân hàng BIDV, và Hiệp hội Dừa Việt Nam đều nhận định rằng thương mại điện tử là kênh xuất khẩu hiệu quả, giúp giảm chi phí, mở rộng thị trường nhanh chóng và kết nối trực tiếp với người tiêu dùng toàn cầu.

Chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng chia sẻ những rào cản mà họ gặp phải. Trong đó, vấn đề logistics và chi phí vận chuyển quốc tế là trở ngại lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, các rào cản về ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, và hệ thống pháp lý phức tạp tại từng thị trường đích đều tạo thêm khó khăn.

Đồng thời, doanh nghiệp còn phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm định, thuế quan, và chính sách bảo vệ người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu, điều này đòi hỏi nỗ lực lớn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Trước thực trạng này, các đơn vị công nghệ như VNPT, VISA, MISA và EFFECT và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã giới thiệu các nền tảng hỗ trợ thanh toán, quản lý và kết nối giao thương số cho doanh nghiệp. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ số là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp không chỉ tăng hiệu quả sản xuất mà còn tiết kiệm đáng kể các chi phí.