Mặc dù xu hướng đầu tư mới trên toàn cầu giảm tốc, song Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024.
Hiện nay, Việt Nam đang duy trì hơn 39.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư vượt trên 473 tỷ USD. Mặc dù có sự giảm tốc độ trong xu hướng đầu tư mới trên toàn cầu, song Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam giữ vững sức hút FDI là việc triển khai một loạt các dự án hạ tầng quan trọng, có quy mô lớn. Những dự án này không chỉ tạo ra sự đồng bộ mà còn giúp khắc phục các hạn chế lâu nay về hạ tầng giao thông và logistic.
Sự phát triển này cũng đem lại động lực lớn cho doanh nghiệp, cũng như các địa phương và vùng lân cận, giúp họ tận dụng tiềm năng và lợi thế của mình để thu hút FDI.
Ví dụ, khu công nghiệp Trần Đề ở tỉnh Sóc Trăng, với quy mô 160ha, hiện đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của việc xây dựng hạ tầng. Đây là một trong những khu công nghiệp tiềm năng thu hút nhà đầu tư đến tỉnh này, đặc biệt khi nằm ở vị trí cuối tuyến của cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.
"Đối với Sóc Trăng, lĩnh vực nông nghiệp thuỷ sản rất lợi thế. Trong thời gian qua các đối tác quan tâm đến hạ tầng, cụm, khu công nghiệp cảng biển là logistics", ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết.
Khi các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông được giải quyết, nhiều khu công nghiệp lớn trong Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành điểm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế khu vực. Khu công nghiệp VSIP tại TP. Cần Thơ, với việc khởi công từ quý 3 năm trước, đang được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho toàn vùng.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, nhấn mạnh: "Cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý, khó khăn triển khai tại công trường của khu công nghiệp, để khu công nghiệp này hoàn thành với tiến độ sớm nhất".
Hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực là điều kiện cần thiết, nhưng để biến tiềm năng thành các dự án FDI, cần sự linh hoạt và chủ động trong cơ chế thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng: "Rút gọn nhất các thủ tục, thực hiện nhanh nhất các thủ tục hành chánh, tránh phiền hà cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Giao đầu mối, tập trung cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, trực tiếp là Trung tâm xúc tiến hỗ trợ đầu tư".
Ông Kenneth Atkinson, Thành viên Hội đồng Britcham, cho biết: "Nhà đầu tư của chúng tôi đánh giá chất lượng hạ tầng kết nối giữa các địa phương được nâng cao rõ rệt trong những năm gần đây nhất là sau COVID 19. Các đoạn tuyến cao tốc đang tạo ra xung lực rất lớn cho nền kinh tế, với cam kết đến năm 2025 sẽ được hoàn thành để tạo sự liền mạch về hạ tầng giao thông, qua đó nâng cao hiệu quả logistics, kết nối liên vùng".
Theo VTV
Link nội dung: https://giaoduccuocsong.vn/dong-bo-ha-tang-giup-thu-hut-fdi-a4940.html