Livestream "hữu duyên": Chiêu dụ nạn nhân vào "bẫy" mê tín

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các hoạt động tâm linh cũng bị biến tướng, trở thành "thị trường béo bở" cho những kẻ lợi dụng lòng tin của người dân.

"Hữu duyên" để kiếm tiền

Chỉ cần dạo quanh Facebook hay Tiktok, không khó để bắt gặp các dịch vụ xem bói online như: xem chỉ tay, vận mệnh, Tarot, bài Tây, nhân tướng học, luận quẻ Kinh Dịch, xem Bát Tự, phong thủy... Các trang này thường sử dụng những câu quảng cáo hấp dẫn như "Dự đoán số mệnh", "Tử vi cải mệnh",... nhằm thu hút sự tò mò của người xem.

Livestream "hữu duyên": Chiêu dụ nạn nhân vào "bẫy" mê tín- Ảnh 1.

Nhiều hội nhóm xem bói trực tuyến được thành lập với hàng nghìn thành viên.

Các "thầy bói, cô đồng" hiện nay thường tổ chức các buổi livestream "xem hữu duyên" trên Tiktok, Facebook, giải đáp thắc mắc về sức khỏe, tiền bạc, tình duyên, học tập, công việc... Mỗi người xem chỉ cần để lại ngày tháng năm sinh hoặc tình trạng cá nhân, các "thầy" sẽ luận quẻ miễn phí. Tuy nhiên, nếu muốn xem chuyên sâu, họ sẽ được điều hướng liên hệ qua Zalo, với mức phí tùy tâm hoặc thỏa thuận.

Mỗi khi một buổi livestream coi bói "hữu duyên" diễn ra, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đổ vào xem, để lại bình luận xin luận quẻ, thả hoa, thả quà tặng để mong nhận được sự chú ý của "thầy". 

Livestream "hữu duyên": Chiêu dụ nạn nhân vào "bẫy" mê tín- Ảnh 2.
Livestream "hữu duyên": Chiêu dụ nạn nhân vào "bẫy" mê tín- Ảnh 3.

Chỉ cần bấm từ khóa "hữu duyên" trên nền tảng TikTok, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng trăm tài khoản TikTok đang livestream đoán vận mệnh cho người khác qua tử vi, tarot, xem chỉ tay,... từ những "thầy đồng, cô đồng" tự xưng. 

Những vấn đề được quan tâm nhiều nhất thường xoay quanh tình duyên, công danh sự nghiệp và tiền bạc. 

Có người muốn biết khi nào mình kết hôn, người khác lại lo lắng về việc làm ăn có thuận lợi không, nhiều người muốn biết về những điều kiêng kỵ, vận hạn hay cách hóa giải điềm xui. 

Các buổi livestream thu hút rất nhiều bình luận từ người xem. Nhiều người xem không ngại công khai thông tin cá nhân, vấn đề đang gặp phải lên các buổi livestream để mong nhận được “hữu duyên” từ các “thầy đồng, cô đồng” online.

Những câu hỏi như vậy liên tục xuất hiện, tạo nên sự sôi động và thúc đẩy tâm lý đám đông (FOMO - Fear of Missing Out). 

Đánh vào yếu tố này, các thầy không ngần ngại yêu cầu người xem liên hệ Zalo để được xem chi tiết. Điều này càng thúc đẩy họ bình luận liên tục, đặt lịch riêng hoặc thậm chí chuyển khoản để được xem bói kỹ hơn.

Không chỉ dừng lại ở livestream, nhiều nhóm Facebook, fanpage xem bói cũng thu hút hàng trăm nghìn thành viên, nơi mọi người chia sẻ trải nghiệm, giới thiệu các "thầy" nổi tiếng hoặc truyền tai nhau những địa chỉ xem bói "linh nghiệm". 

Các bài đăng trong nhóm này thường thu hút lượt tương tác khủng, với hàng nghìn bình luận nhờ "soi giúp một quẻ", "có ai từng xem thầy này chưa" hay "đã ai thử cải mệnh thành công chưa". Điều này càng khiến những người nhẹ dạ tin tưởng vào sức mạnh của bói toán online và sẵn sàng chi tiền để tìm kiếm lời giải cho vận mệnh của mình.

Bạn T.A.K (20 tuổi) chia sẻ: "Mình từng tham gia buổi livestream xem bói bằng quẻ Kinh Dịch. Câu trả lời nhận được rất chung chung và mơ hồ. Khi mình muốn hỏi rõ hơn, thầy bói yêu cầu liên hệ qua Zalo và trả phí tùy tâm. Cảm thấy không đáng tin cậy, mình đã không tiếp tục".

Chuyên gia cảnh báo

Trao đổi với Người Đưa Tin, Th.S Tâm Lý Học Nguyễn Thị Ngọc Vui, Chuyên gia Tâm lý học, Giảng viên Khoa Tâm lý học của Đại Học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Tp.HCM) cho biết: "Nhiều người có xu hướng thích nghe những điều đúng ý với mình, nếu mà không đúng ý mình mong muốn lại tiếp tục đi coi tiếp, coi đến khi nào vừa ý thì thôi. Cũng có nhiều người lại có tâm lý khác, coi người này không ưng, lại bỏ tiền ra coi người khác nữa.

Tuy nhiên, hệ lụy về tiền bạc chỉ là một phần, hệ lụy khác lại là niềm tin của người xem. Khi mà họ đặt niềm tin vào những lời tiên tri đó quá nhiều, sẽ dần hình thành tâm lý xuôi theo số phận, sống trong lo sợ, phụ thuộc hoàn toàn vào nó".

Livestream "hữu duyên": Chiêu dụ nạn nhân vào "bẫy" mê tín- Ảnh 4.

Những hội nhóm coi bói có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia trên nền tảng facebook.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thị Trang (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hoạt động bói toán, mê tín dị đoan dưới mọi hình thức. Cụ thể, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng đối với hành vi tuyên truyền, cổ súy hủ tục, mê tín.

Nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, với mức xử phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), vào dịp Tết 2025, các hội nhóm xem bói online bùng nổ với hàng trăm nghìn thành viên. Các đối tượng lợi dụng lòng tin, sử dụng lời lẽ đe dọa để trục lợi. Không ít người đã phải bỏ ra số tiền lớn để "giải hạn" hoặc mua vật phẩm phong thủy.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không nên tin tưởng mù quáng vào các hình thức bói toán, giải hạn trên mạng. Hãy tỉnh táo trước những lời hứa hẹn về thay đổi vận mệnh.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức bói toán, giải hạn onlineCảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức bói toán, giải hạn online

Link nội dung: https://giaoduccuocsong.vn/livestream-huu-duyen-chieu-du-nan-nhan-vao-bay-me-tin-a16474.html