Ngày cuối cùng khám phá hơn 1.000 sản phẩm nông sản và làng nghề

Chỉ còn ngày hôm nay, Festival Nông sản và Sản phẩm Làng nghề Hà Nội 2024 sẽ kết thúc. Đây là cơ hội cuối cùng để người dân Thủ đô khám phá và mua sắm sản phẩm đặc sắc từ khắp các vùng miền.

Festival Nông sản và Sản phẩm Làng nghề Hà Nội 2024, diễn ra từ ngày 28/12 - 31/12, đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách tham gia. 

Sự kiện không chỉ là một ngày hội mua sắm, mà còn là dịp để người tham gia khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc qua các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ khắp các tỉnh thành.

Mặc dù chỉ còn ngày hôm nay, nhưng không khí tại các gian hàng vẫn rất nhộn nhịp. Hơn 1.000 sản sản phẩm nông sản từ các vùng miền đã được bày bán, từ những loại trái cây tươi ngon của miền Tây, đến các loại gạo, mật ong, trà thảo dược của các tỉnh miền Bắc. 

Một trong những điểm đặc biệt của Festival Nông sản năm nay chính là sự kết hợp giữa các sản phẩm nông sản và các hoạt động văn hóa truyền thống. Người tham gia không những được chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm nông sản chất lượng mà còn được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật thủ công truyền thống.

Ngày cuối cùng khám phá hơn 1.000 sản phẩm nông sản và làng nghề- Ảnh 1.

Hơn 1.000 sản sản phẩm nông sản từ các vùng miền đã được bày bán tại Festival Nông sản và Sản phẩm Làng nghề Hà Nội 2024 (Ảnh: Kim Thoa).

Các gian hàng làng nghề như làm gốm, thêu tay, đan lát, hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác đã góp phần làm phong phú thêm không gian sự kiện.

Bạn Ngọc Lan (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ với Người Đưa Tin: "Tôi rất vui khi đến đây mua sắm những món đặc sản quê hương cho gia đình trong dịp Tết. 

Không chỉ là mua sắm, tôi còn được tham gia vào những hoạt động thú vị như nặn tò he và cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu của các nghệ nhân. Đây là một sự kiện rất ý nghĩa, giúp tôi gắn bó hơn với những giá trị văn hóa truyền thống".

Bà Lê Thủy (Ba Đình, Hà Nội) vui mừng nói: "Sự kiện tổ chức ở đây thật tuyệt vời, từ sáng sớm tôi đã tranh thủ mua sắm thực phẩm và nhiều đặc sản. Tất cả đều là những sản phẩm uy tín, chọn lọc từ các làng nghề. Mọi người mua sắm rất nhiệt tình, sắm sửa để chuẩn bị đón Tết".

Bên cạnh đó, Festival Nông sản còn là nơi giao lưu, kết nối giữa các nghệ nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các sản phẩm không chỉ được giới thiệu đến người dân Thủ đô mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. 

Các sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại Festival có bao bì đẹp, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống của Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước.

Ngày cuối cùng khám phá hơn 1.000 sản phẩm nông sản và làng nghề- Ảnh 2.

Mặc dù chỉ còn ngày hôm nay (ngày 31/12/2024), nhưng không khí tại các gian hàng vẫn rất nhộn nhịp (Ảnh: Kim Thoa).

Đến tối muộn ngày hôm nay chương trình sẽ khép lại, nhưng những giá trị văn hóa và sản phẩm từ Festival Nông sản còn sẽ tiếp tục và được phát huy. Các nghệ nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tạo dựng được những kết nối bền chặt, giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành nông sản và các sản phẩm làng nghề.

Bà Nguyễn Thị Thảo - đến từ làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), cho biết: "Festival Nông sản là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng. Mặc dù sự kiện sắp kết thúc, nhưng tôi tin rằng những sản phẩm của chúng tôi sẽ tiếp tục được yêu thích và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới".

"Đánh thức" tiềm năng du lịch làng nghề phía Nam Thủ đôYên Bái: Đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Ông Bùi Duy Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, việc tổ chức Festival cũng hướng đến mục tiêu cụ thể hóa các chương trình hợp tác của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội".

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất tiếp cận thị trường tiêu dùng Thủ đô, qua đó tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, khai thác tiềm năng từ thị trường nội địa; tạo điểm nhấn kích cầu mua sắm an toàn trong dịp cuối năm, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Link nội dung: https://giaoduccuocsong.vn/ngay-cuoi-cung-kham-pha-hon-1000-san-pham-nong-san-va-lang-nghe-a14756.html