Vườn Quốc gia Vũ Quang (Vườn - PV) nằm giữa Vườn Quốc gia Pù Mát và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) trao danh hiệu "Vườn Di sản ASEAN". Vườn nằm về phía Tây Bắc của Hà Tĩnh (thuộc thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang). Đây là khu rừng đặc dụng tọa lạc sát đường biên giới Việt – Lào mang nhiều giá trị về đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử. Thế nhưng, ít ai biết được, để giữ và phát triển sự đa dạng sinh học ở đây, những cán bộ kiểm lâm Vườn đã phải trải qua một hành trình đầy khó khăn, cống hiến thầm lặng.
Với 57.029,84ha rừng nguyên sinh và đất lâm nghiệp, sở hữu nhiều loài động, thực vật quý hiếm, Vườn Quốc gia Vũ Quang luôn trở thành tâm điểm của thợ săn và lâm tặc. Chính bởi vậy, càng đặt nặng nhiệm vụ, trọng trách hơn đối với những "người lính giữ rừng".
Anh Đinh Hữu Chức (SN 1989), nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang, cho biết, mỗi ngày, anh cùng anh em đồng nghiệp đều tổ chức đi tuần. Trong rừng sâu, dưới thảm thực bì, các anh lần tìm những chiếc bẫy. Những cuộc giải cứu theo đó cũng kéo dài hết ngày… Mỗi lần cứu được con thú nào, anh Chức và anh em cán bộ lại vui mừng khôn xiết. Tình yêu đối với cánh rừng trên dãy Trường Sơn với những con thú hoang dã cũng theo đó nhân lên trong lòng mỗi cán bộ, nhân viên Vườn qua năm tháng.
Nhiều năm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, anh Chức đã thông thuộc từng địa hình, vị trí của các đồi núi. Hai năm qua, kể từ khi thành lập đội tuần tra và tháo gỡ bẫy, anh Chức cùng các thành viên trong nhóm đã thực hiện hàng trăm chuyến vào rừng, tháo gỡ được hơn 1.500 bẫy, phá được gần 30 lán trại xây dựng trái phép.
"Trước đây, khi người dân chưa có ý thức giữ rừng, lúc bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, nhiều nhóm thợ săn còn mang dao chống trả. Giờ tình hình đã ổn, người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ rừng", anh Chức nói.
Theo các các bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang, các loại bẫy thú thường gặp gồm: bẫy dây rút, bẫy lưới, bẫy kẹp… Phổ biến nhất là bẫy dây rút vì loại này đơn giản, dễ lắp đặt trong rừng. Các loại bẫy này không chỉ gây bị thương và chết cho các loài động vật mà còn làm giảm đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của khu vực. Những cuộc tìm kiếm bẫy thú rừng không chỉ khó khăn về địa hình mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho cán bộ bảo vệ. Chỉ cần sơ suất, không có kinh nghiệm, họ cũng dễ giẫm vào bẫy thú.
Ngoài "biệt đội" giải cứu bẫy thú, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn có "biệt đội" đặt bẫy ảnh. Việc đặt bẫy ảnh nhằm phát hiện các loài mới và đánh giá, theo dõi mật độ sinh trưởng của các loài thú tại Vườn.
Anh Đinh Trọng Hoàng (SN 1993), cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Vũ Quang - một trong những thành viên của biệt đội bẫy ảnh - cho hay, mỗi chuyến đi rừng ít nhất kéo dài 9 ngày, nhiều thì 15 ngày và phải mang theo thực phẩm đủ cung cấp trong từng ấy thời gian.
Ngày băng rừng, lội suối, đêm xuống, anh Hoàng cùng anh em đồng nghiệp lại mắc võng ngủ trong rừng sâu giữa muông thú và côn trùng. Những nỗ lực của các cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang góp nhặt theo ngày, tháng như cây rừng mỗi năm có thêm một vòng thân gỗ, khiến nhiều loại thú rừng kéo về Vườn sinh sống, trú ngụ ngày một nhiều.
Theo anh Trần Hữu Hà, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sao La (Vườn Quốc gia Vũ Quang), gần đây, qua bẫy ảnh, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phát hiện nhiều loài động vật đáng chú ý như: Mang lớn; Mang Trường Sơn; Thỏ vằn; Cầy vằn; Sơn dương; Gà lôi trắng; Gà tiền mặt vàng; Cầy gấm; Mèo gấm; Voi; Khỉ mốc; Khỉ vàng; Khỉ đuôi lợn; Khỉ mặt đỏ…
"Dù địa hình phức tạp, hiểm trở, đặc biệt thời tiết mưa nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn nghề nghiệp nhưng anh em luôn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đặt ra, quyết tâm bảo vệ hiện trạng, không để rừng bị xâm hại. Đồng thời, đặt bẫy ảnh nhằm hỗ trợ công tác điều tra, giám sát các loài nguy cấp để quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học", anh Hà nói.
Nam Linh
Link nội dung: https://giaoduccuocsong.vn/nhung-buoc-chan-giu-su-song-giua-dai-ngan-a14603.html